Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Bình luận về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam

Sunday 17 June 2012

110 * TÔ HẢI * PHÊ PHÁN

Di chúc, di chúc và di chúc?

Nhạc sĩ Tô Hải
 

Mấy tuần nay, trên khắp các mặt báo và màn hình, từ địa phương đến Trung Ương, người ta đều thi nhau "kỷ niệm 40 năm ngày làm theo di chúc bác Hồ". Tại sao lại 40 năm mới kỉ niệm?Tại sao 10 năm, 20 năm không làm hoặc để 50 năm hãy làm kỉ niệm. Thế là, tớ đâm ra…" tự thắc mắc" rồi phải tự đi tìm hiểu bằng cách gõ vào google, vào wikipedia. Thế là,… eo ơi,! cả một rừng về di chúc bác Hồ, đặc biệt, quá nhiều những di chúc của "bọn phản động nước ngòai" đưa lên internet những bản di chúc bằng bản thảo viết tay, chụp đầy đủ những chỗ, dập, xóa, thêm, bớt mà họ bảo đảm rằng không phải là di chúc giả vì nó đã qua những chuyên viên về phân tích chữ viết… Lại còn những gì di chúc khi đọc lên thì tớ thấy đúng như trong "Mạt Lộ" của Đào Hiếu là di chúc này được viết trong một hoàn cảnh "bị cô lập ở K5"(?) nào đó. Thế là, tớ đành ... đóng mạng để khỏi hoang mang tinh thần và kiên quyết chỉ dựa vào những gì báo chí chính thống và truyền hình nhà nước để viết lên những suy nghĩ của tớ về cái vụ "40 năm di chúc bác Hồ" này

Những nhận thức mới của tớ

Té ra bản di chúc này được khởi thảo từ 10/5/1965 cho tới mùng 10/5/1969 mới xong (báo tuổi trẻ này 25/8). Lập tức một lô câu hỏi lại xuất hiện trong đầu. Cứ cho là bài xã luận của "Tuổi Trẻ là chính xác 100% đi thì tớ bỗng dưng lại nảy sinh một số thắc mắc như sau:
1) Một tác giả từng nổi tiếng với hàng ngàn bài báo viết rất đơn giản, dễ hiểu, khúc triết, rõ ràng, rất đaị chúng, từng nêu gương học tập cách viết cho hàng loạt cây bút vô sản hàng đầu lẽ nào viết có hai trang "dặn dò truớc khi chết" lại phải kéo dài tới 1460 ngày!? cái gì đã làm cho ông Hồ khó khăn khi cầm bút thế nhỉ? Có sức ép nào không? Mà lại phải coi là tài liệu "tuyệt đối bí mật" cho đến ngày tuyên bố nữa chứ?
2) Bản di chúc công bố trong lễ tang và đăng trên báo nhân dân ngày mùng 10/9/1969 vì sao lại bị cắt cúp, sửa chữa, mặc dầu trước đó, khi phổ biến cho giới văn nghệ để phát động một cuộc sáng tác "Thương tiếc Bác" thì chính những điều cắt cúp đó lại được "đồng chí Tố Hữu" và sau là ông Cù Huy Cận cũng phổ biến "vo" cho bọn tớ. Chẳng anh nào nghi ngờ các ông lãnh đạo văn nghệ to nhất nước đã "biạ" ra những chi tiết mà bản di chúc được phổ biến công khai lần đầu lại không có cả! Tớ vẫn nhớ như in cái quang cảnh thực sự xúc động của hàng trăm văn nghệ sỹ ở 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội ngày 4 hay 5 tháng 9/69 gì đó, khi hai ông to (một Đảng, một chính quyền), nói về bản di chúc với một nội dung làm xúc động cử tọa. (cả hai ông đều là nhà thơ mà!). Với những cảm xúc có thật, thêm vào là những lời lẽ gây ấn tượng, đầy hình ảnh… không cần có trong tay bản di chúc chính thức nào, các ông đã truyền cảm xúc cho biết bao tác giả (nhất là cánh nhạc sỹ và thi sỹ ), chỉ trong có một đêm, đã cho ra cả ngàn bài hát, bài thơ… Cái thời thông tin "bịt kín" đó, chẳng ai, dù đã không còn tin ông Cụ mấy, do các sai lầm của Đảng, (Cải cách ruộng đất, Chấn chỉnh tổ chức…) mà ông đã đứng ra xin lỗi đồng bào cũng đều có những xúc cảm khác nhau nhưng gần như đồng nhất về cái ý tưởng "Yên bình cho người đã khuất" ("Paix aux morts") và càng thấy "tội cho ông cụ" khi có tin lọt ra ngoài là ông cụ đã bị "vô hiệu hoá" từ 5 năm nay rồi,kể từ ngày ông gửi thư riêng và hoa đào Tết vào Nam để tặng T.T. Ngô Đình Diệm!".. Phải nói rằng bản di chúc được phổ biến "vo" của 2 nhà thơ lãnh đạo văn nghệ đã … thuyết phục được nhiều người trong bọn tớ, ít nhất trên bình diện… "9 bỏ làm 10". Ví dụ đoạn ông cụ viết: "Tôi chẳng có 1 ham muốn gì ngòai ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hòan tòan độc lập, dân ta đều hòan tòan tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành"). Đặc biệt là đoạn cuối cùng nói đến nguyện vọng sau khi chết là "được chôn ở một ngọn đồi và dưới chân đồi thì nhớ dựng một căn lều để có ai đến thăm thì có chỗ nghỉ chân"phổ biến cái ý chứ không đọc nguyên văn). Chỉ riêng cái chi tiết một "túp lều" hay một "ngôi nhà dựng "ở "trên" đồi hay "dưới "chân đồi thì thời đó 2 ông Tố Hữu và Cù Huy Cận khi phổ biến (không có bản thảo chính trong tay) đều có 2 chi tiết "trên đồi": hay "dưới đồi" khác nhau. Bọn văn nghệ chúng tớ, cho đến tận bây giờ chẳng bao giờ chú ý đến "trên" hay "dưới" có hay không trồng cây, vì cái nội dung chôn ở trên đồi và dựng nơi nghỉ chân cho đồng bào" mới là điều quan trọng!. Ngay bản thân tớ, khi nghe ông Tố Hữu nói đến vấn đề "nguyện vọng sau khi chết của "bác Hồ", thú thật, tớ cũng ứa nước mắt vì đường đường một vị chủ tịch nước mà nguyện vọng cuối cùng sau khi chết đừng làm ma chay to lớn, linh đình… thì quả là có một không hai. Vậy mà gần đây vẫn cái ông Nguyễn Thiên Lương (mà do mắt kèm nhèm tớ đọc thành Thiện Lương nên chơi chữ thành Ác Lương) đã phê phán tớ trên báo Văn Nghệ Công An là tớ xuyên tạc di chúc bác, rằng thì là: Bác Hồ không có viết trong di chúc là làm nhà ở chân đồi mà phải làm nhà ở trên đồi?! . Thử hỏi rằng một ông Tố Hữu, Cù Huy Cận, trong tay không có bản di chúc mà ra phổ biến trước giới văn nghệ những chi tiết này còn khác nhau thì hỏi rằng, bản di chúc mà ông công an làm văn nghệ "ăn lương nhà giời" này đưa lên báo (lại là bản đánh máy nữa), dù có nguệch ngoạc mấy dòng ở cuối di chúc mấy chữ "chứng thực của TBT Lê Duẩn (y hệt khi người dân cần xin công an phường chứng thực để đi xin việc vây!) mà cái ông "Ngờ tờ lờ" này bắt những cái đầu biết suy nghĩ như tớ nay phải "Dạ! thưa các quan! Những bản trước, dù có đúng từng chữ, từng dấu chấm phết, phẩy, cũng phải quên đi. Làm khác ý của chúng tao là đồ "đánh lận con đen", là "phản động", là có "ý đồ chính trị", là cần "bắt nóng", cần "tiêu diệt", là…là,… (như báo của nghành công an các ông vẫn thường làm cái công việc kết tội cho khối người trước khi ra tòa hoặc chưa hề bị bắt nóng, bắt nguội (như đi với g/s Ng.Đ. M..., Nguyễn thanh Giang...) khi cần bôi xấu họ bằng những thư "tội" mà tôi thường viết trong ngoặc kép là như vậy đó...
Tớ lại lạc đề "40 năm di chúc Bác Hồ" về những chuyện chẳng nên cãi cọ đôi co làm gì vì một câu nói một dòng chữ trao đi đổi lại giữa hai người với nhau cứ như là hai người ở hai hành tinh khác nhau, ngôn ngữ khác nhau vậy!… Xin quay lai với chuyện di chúc Bác Hồ.
3) Lí do gì mà mãi đến năm 1989, nhân kỉ niệm 20 năm ngày mất của bác, bản di chúc mới được công bố đầy đủ? Cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vậy bản năm 65, 68, 69, bản nào là bản "chuẩn?" Đặc biệt là bản cuối cùng lại có chứng nhận, chứng kiến của tổng bí thư Lê Duẩn kí ở trang cuối lại càng gây thêm thắc mắc: vì sao một bản di chúc đọc kĩ thì chẳng có điều gì bí mật? Chẳng có kế hoạch chiến đấu, xây dựng, đi theo đường lối ai, đòan kết với ai, cảnh giác với ai mà đến nỗi phải có tổng bí thư đứng ra làm... "công chứng." (!?) Chẳng lẽ những điều dặn lại con cháu, đồng chí là "phải giữ gìn, đòan kết trong Đảng như con ngươi của mình," chẳng lẽ những điều mong muốn cho nhân dân có cơm no, áo ấm, được học hành. Chẳng nhẽ những nguyện vọng được an táng như một người dân bình thường, không tổ chức linh đình, tốn kém lại trở thành những điều tuyệt mật hay sao?
Nói tóm lại, trong thời đại internet này, việc khơi lại một bản di chúc đã được cắt cúp, sửa đi sửa lại và cuối cùng phải có chứng nhận của tổng bí thư để đến nỗi một thằng già sắp chết như tớ cũng phải lao vào tìm hiểu sự thật để rồi ... nảy sinh ra hàng trăm cái dấu hỏi trong đầu,? Theo tớ là chẳng có lợi gì, nhất là những nhà lãnh đạo ít tuổi, chỉ biết tin vào một bản di chúc nào mà bây giờ người ta bảo là "di chúc chuẩn"???

Tác dụng ngược của việc tuyên truyền di chúc

Chẳng biết đến ngày hôm nay những người chủ trương làm lớn vụ 40 năm làm theo di chúc Hồ Chí Minh này đã "kịp thời uốn nắn". Riêng tớ, có nhiều thì giờ theo dõi và đọc báo chí trong dịp này thì thấy:
1) Đây là một dịp tự do tư tưởng nhất chưa từng có để các nhà nghiên cứu, các tiến sỹ giáo sư lên tiếng đàng hoàng về cái sự tréo ngoe, giữ những lời "Người" dặn dò với thực tế các học trò của người sau này. Này nhé, ông tiến sỹ Phùng Hữu Phú, phó ban tuyên giáo thẳng thừng bộc lộ "Chúng ta còn ân hận vì nhiều việc chưa làm tròn theo lời bác căn dặn, nhiều điều cũ kĩ hư hỏng vẫn đang tác oai tác quái trong đời sống thường ngày…" Được lời một loạt các tiến sỹ Bùi Đình Phong, Phạm Sành, Lê Mậu Hân..., các nhà chính trị như Trần Trọng Tân lần đầu tiên công khai bày tỏ sự bất bình đối với tình trạng xã hội hiện nay, chẳng có làm theo lời di chúc của bác được chút nào. Ông Trần Trọng Tân còn đề ra hẳn một cách làm theo lời bác là: "Các cấp lãnh đạo hãy tự phê bình về những gì mình chưa làm theo lời bác và đưa ra công khai cho quần chúng góp ý". Còn có ông thì đi đến kết luận là di chúc của bác để lại chẳng qua chỉ là di chúc về con người (?) Thậm chí nhà báo Thái Duy tinh tế hơn, còn nhấn mạnh đến 4 chữ" thật" trong di chúc: "Giữ gìn đảng thật trong sạch", "Thật" sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", "là người đầy tớ "thật" sự trung thành" rồi bình luận rất sâu sắc về tại sao bác phải dùng nhiều lần chữ thật như thế, để rồi đi tới kết luận là mọi điều bác dặn, chưa "thật sự" được thi hành
2) Gần như 99% các tiến sỹ, giáo sư đều chỉ nhấn mạnh tới phần tư cách và đạo đức. Tớ chẳng đọc được, nghe được một câu nào về tư tưởng Hồ Chí Minh cả. Có vị lại còn lên tiếng: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân dân?" Tất cả bản di chúc đều tóat lên tư tưởng vì nhân dân. Hình ảnh đưa lên cũng là những hình ảnh rất bình dân của ông cụ. Cách viết, cách nói rất dễ hiểu, đại chúng, và khi bình luận đến những câu như. "Tôi chỉ có một ham muốn… hoặc "Việc đầu tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng..." Phải giữ gìn sự đòan kết trong đảng như con ngươi của mình" thì vị nào vị nấy bỗng như có niềm hứng khởi chưa từng thấy trong cách phát biểu, viết lách. Nhưng có những điều "nhạy cảm" như tại sao không an táng bác như bác mong muốn, hình như các vị giáo sư, tiến sỹ đều cố tình tảng lờ nên chẳng thấy ai nói lại cái câu giải thích "theo nguyện vọng của nhân dân miền Nam mong được gặp bác" như xưa cả nữa". Không một lời giải thích tại sao lại ... cắt cúp dưới thời ông Lê Duẩn? Tại sao lại được bổ sung chi tiết nọ, kia dưới thời ông Nguyễn Văn Linh 20 năm sau với chỉ thị số 151/TB/TƯ ngày 19/5/1989?
Bỏ đi tất cả những thứ di chúc giả do bọn "phản động nước ngoài "công bố, bỏ đi tất cả những bài viết trước sau… không như một. Lần này bản di chúc được phóng to, đánh máy, công bố trên báo, thậm chí bày như bày tranh trỉển lãm ở các nhà bảo tàng, nhân kỉ niệm 40 năm làm theo di chúc bỗng dưng đưa tớ trở lại những năm xưa và càng thêm thắc mắc về những năm cuối đời của ông cụ và tớ đi đến kết luận rằng: Trong lịch sử các triều đại từ phong kiến đến tư bản, đến xã hội chủ nghĩa, có một ông vua, ông tổng thống hay ông chủ tịch nào mà chỉ có một bản di chúc để lại cho đời sau mà lại có nhiều dị bản gây băn khoăn thắc mắc cho hậu thế như vậy không? Hỏi tức là trả lời nhưng trả lời đã đầy đủ hay không thì xin nhường cho các friends./.

Nguồn: tuần kí số 18 (Di chúc,Di chúc và Di chúc!) - Aug 29, '09 10:49 AM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/113/113

 

"BÁC HỒ", MỘT CON NGƯỜI KHỔ NHẤT THẾ GIỚI

Tô Hải (nhat sy bao thu)
 

Vài lời phi lộ về nhân xưng - Trong entry này, tớ xin phép những người ghét hai chữ Bác Hồ mà vẫn dùng hai chữ đó chỉ khác ở chỗ chữ "bác" của tớ không viết hoa vì tớ luôn coi ông Hồ cũng như ông Nguyễn Tuân, ông Tú Mỡ, cụ bơm xe, bà bán bún chả…, ai đã hơn tớ tuổi, tớ đều có quyền và thậm chí phải gọi là ông, là chú, là bác…, thế thôi đừng có nghe thấy hai tiếng Bác Hồ viết hoa đã nhảy dựng lên nhé! Tớ viết "bác Hồ hoặc "bác ấy" là cái sự học thời Tây nó dạy, viết văn là như dzậy đó.!!.

Mấy tuần nay, để viết một entry "độc đáo" về sinh nhật bác Hồ, về những kỷ niệm cá nhân của tớ về bác ấy, về những nghĩ suy, đánh giá về Bác ấy, nên tớ phải lên mạng để cập nhật liên tục, muốn phát ốm! Nào ngờ, càng đi sâu tìm hiểu thì tớ mới thấy là tớ đã đi lạc vào một rừng tư liệu làm rối tung cái đầu và tớ… phát ốm thật. Tớ tự trách tớ: Ai bảo đi vào con đường của những nhà "Việt Nam Học", "Hồ chí Minh học", có lương tâm nghề nghiệp làm gì! Họ có nhiệm vụ làm sáng tỏ thêm hay bác bỏ các lập luận của các nhà đã viết ra những tập sách nổi danh về Hồ Chí Minh như William J.Duiker, Sophie Quinn Judge, Douglas Pike, Anatoli Sobolov… và cả trăm ngàn hồ sơ mới được" bạch hóa" từ các cơ quan KGB, STASI… sau cuộc sụp đổ tan tành cái khối cộng sản tưởng như bất khả xâm phạm… Ngoài ra, tớ tin tưởng ở các nhà nghiên cưú có lương tâm, đã mê say nghề nghiệp này sẽ chẳng ngại xin phép nhà nước hoặc tự bỏ tiền túi ra bay ngay qua Nga, qua Pháp để được đọc nguyên bản những gì Hồ chí Minh đã làm, đã viết đang còn được lưu trữ rất cẩn thận ở trung tâm lưu trữ hồ sơ hải ngoại" (C.A.O.M). Vạn dĩ nhà nước không cho tiền thì các học giả nào biết tí chút ngoại ngữ và biết xử dụng computer đâu có cần ai mách đường chỉ lối, đều có thể cập nhật hàng vạn tài liệu khi gõ vào "Hô chí Minh, biography" Riêng tớ, vì quá câu nệ là "nói phải có sách, mách phải có chứng" nên tớ đâm... loạn tài liệu và đành… Stop và xin mời các tiến sỹ, các học giả, cũng như các vị tiến sỹ-giáo sư cấp tướng như các bác (hay chú?) Nguyễn Hồng Dung (Viện Lịch sử Quân đội,) Vũ Quang Hiển (Đại học quốc Gia Hà Nội) hãy "dấn thân" để bạch hóa cái màn đen đang phủ kín lên sự nghiệp, lên uy tín của một con người. Riêng tớ, tài hèn sức mọn và với cái bản chất văn nghệ là chuộng biểu hiện bằng hỉ, nộ, ái, ố, hoan, lạc chứ không ưa những con số, những dẫn chứng cụ thể nên chỉ xin nói thật cái gì mà tớ cảm nhận và yêu, ghét bác Hồ chí Minh mà thôi.! . Cho nên tớ mới kể ra cái quá trình tớ đã từ yêu đến ghét bác ấy và cuối cùng thương bác ấy như sau:
1-/ Ngay từ tấm bé, tớ là một người thích đọc những cái gì "cấm trẻ con" (interdit aux enfants)… rồi đến lúc biết tìm hiểu suy nghĩ, trình độ tiếng Pháp đã đủ để có thể đọc được những tác phẩm chính trị, triết học và báo chí Pháp, (mỗi tuần đều được gửi qua sở PTT của bố tớ do các quan Tây, quan ta đã com-măng… Thế là tớ quen cái tên Nguyễn Ái Quốc từ đầu những năm 42, 43 gì đó... Đối với tớ, mỗi khi bố tớ mang những thứ "quốc cấm" ấy về, ông đều hạ giọng nói nhỏ vào tai tớ: "Đừng có đọc, đừng có cho ai mượn kẻo Tây nó không muốn cho dân anamít ta biết những thứ này đâu! Tù mọt gông đấy! "thì lại càng làm tớ thêm tò mò. Và tớ luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi… đọc ngốn, đọc ngáo các thứ quốc cấm đó. Cái tên Nguyễn Tất Thành sau luôn thay đổi, các bản chụp đơn xin học ở trường thuộc địa (trung tiểu học?) ở Pháp, các lệnh truy nã, thậm chí cái mandat gửi tiền về cho ông Nguyễn Sinh Sắc… và sau này… những tài liệu truy tố ông, thậm chí ông bị đưa ra các thứ tòa án "đế quốc", ông vẫn thoát hiểm,… Chỉ riêng cái tài thiên biến vạn hóa của ông như thay tên, đổi dạng để mật thám Tây, Tầu chẳng biết đâu mà lần cũng đủ làm ông, dưới mắt tớ, quả là một "điệp viên, tình báo ngoại hạng" (Tớ vốn là độc giả trung thàng của những Conan Doyle, Yang Flemming, Ken Follett mà..)
Oai danh cuả ông cả thế giới đều biết,… thế mà khi có phong trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, ông anh họ tớ, ở chiến khu về cho biết "Nguyễn Ái Quốc đã về nước lãnh đạo toàn dân đấy" thì tớ mừng như bắt được của.. và trở thành fan của ông tức thì! Càng lạ lùng hơn là khi ông lại xuất hiện với cái tên lạ hoắc: Hồ Chí Minh đến nỗi một lãnh tụ cộng sản ở Miền Nam phải thốt lên: "Hồ chí Minh? Thằng nào dzậy?" và khi được chính thức phổ biến là Hồ chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc thì Trần văn Giầu và các đồng chí Xứ Ủy Nam Bộ mới chịu chấp hành lệnh Tổng Khởi Nghĩa! Xem thế mới biết cái chuyện đổi tên của ông nó lợi hại đến mức nào.. Nếu đúng như ông có tới 40 cái tên (Douglas Pike) hoặc thậm chí 145 tên đủ loại Pháp, Anh, Mỹ, Tầu, Nga… (theo Anatoli Sokolov) thì càng làm cho tớ thêm kính phục về con đường bôn ba hải ngoại làm cách mạng của ông mà thôi!
Tớ càng cực kỳ phục ông về những hành động "cao cả, sáng suót, khiêm tốn, giản dị" có một không hai là:
a-/ Khi đã có chính quyền trong tay, ông tuyên bố cùng thế giới ngay lập tức GIẢI TÁN ĐẢNG CỘNG SẢN
b-/ Thành lập chính phủ liên hiệp, gồm đa số những người không cộng sản và mời cả những Huỳnh thúc Kháng, Nguyễn hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Phan Kế Toại, Nguyễn Tường Tam … ra thành lập nội các với cố vấn tối cao là… nhà vua Bảo Đại, mặc cho sau khi thành lập xong chẳng có mấy nước tư bản cũng như cộng sản công nhận.!? Phải mãi 1950 Mao Trạch Đông nhúng tay vào Việt Nam thì "phe ta" mới manh nha hình thành với nhiều thắc mắc như "Hồ Chí Minh có thật là cộng sản không? "hoặc "Hồ Chí Minh chỉ là một tên theo… cải lương chủ nghĩa"? Kèm theo những câu trả lời báo chí hoặc do chính bác ấy tuyên bố khi tìm đến chủ nghĩa cộng sản là: "Đây là "cái chúng ta cần" để giải phóng quê hương rồi!; Vậy là Hồ chí Minh chỉ coi Chủ Nghĩa Cộng sản là PHƯƠNG TIỆN chứ không coi nó là MỤC ĐÍCH… Cho nên báo chí Pháp một thời gian dài thậm chí cả đến những nhân vật một thời đối đầu với bác ấy (Sainteny -Histoire d’une paix manquée-) cũng đều viết và nói: "Hồ chí Minh, trước hết và trên hết là một người yêu nước". (HCM, avant tout et surtout un patriote)!?
c-/ Tất cả trong tớ về huyền thoại Nguyễn Ái Quốc dần dần, qua thực tế trước mắt đã biến thành một chính trị gia thiên tài bậc nhất mà người ghét bác ấy thường dùng từ "thủ đoạn, mưu mô"…, là "lừa đảo"… mà theo tớ thì có ai làm chính trị mà không thủ đoạn miễn là thủ đoạn gì có lợi cho nhân dân cho đất nước chứ không thủ đoạn để an vị trên ngôi vàng, cho mình, cho con cháu, chút chít mình suốt đời nọ sang đời kia… Tớ cứ bám vào những sự tự biện minh như thế để tiếp tục "theo chân" bác ấy, thậm chí không ít văn nghệ sỹ đã xúc động thật sự trước những hình ảnh "Bác hành quân ở chiến dịch Đông Khê", "Bác vừa đi vùa phơi quần áo trên một cành cây vác trên vai", "Bác câu cá, đập ruồi"", Bác về thăm nông dân, lội ruộng, đạp guồng nước … với bộ quần áo nâu, khăn mặt khoác vai cùng "đôi dép lốp muôn đời vẫn thế"… mà cho ra nhiều tác phẩm đến nỗi bác ấy trở thành người được đi vào thi ca, văn học, sân khấu, điện ảnh … đồ sộ, đến kinh khủng, vượt mọi kỷ lục của mọi thời gian, mọi không gian. Không một anh hùng dân tộc của bất cứ dân tộc nào, thời đại nào lại có thể được nhiều người sáng tác xưng tụng mình bằng những ngôn từ hoa mỹ, đại ngôn đén mức .... hết cả chữ trong tự điển mà cứ phải nhai lại của người khác và của chính mình đến rỗng tuếch như thế như Bác là vâng dương, là lương tâm của nhân loại", "Bác là niềm tin, là ước mơ của nhân loại"... (tớ cũng đã có góp phần được ghi trên bằng "giải thưởng nhà nuớc" ngay đợt đầu bằng "Chúng ta không muốn đói" và "Nông dân biết ơn Bác" đấy!
CHO ĐẾN MỘT NGÀY…
Niềm tin, yêu ở bác ấy trong tớ cứ lạt dần… rồi từ tin yêu chuyển sang… nghi ngờ và… sau cùng là… thương hại.! Không phải là do tớ đọc nhiều tài liệu vu khống của các lực lượng thù địch" nào đâu. Sự thể cái vụ biến chuyển tư tưởng của tớ nó bắt đầu ngay từ rất sớm, chẳng có "anh téc nét, chị téc niếc" gì. Nó biến chuyển theo những trang lịch sử đất nước mà tớ đã sống và chứng kiến tận mắt và tự thấy mình cần điều chỉnh con mắt, cái đầu và con tim không sợ gì cái "tiếng xấu" mà người ta đã khẳng định cho bọn tớ là bọn "tiểu tư sản luôn chao đảo, lập trường luôn bấp bênh". Cái sự mất lập trường của bọn tớ nó diễn ra theo trình tự như sau:
1- Cuộc cách mạng long trời lở đất có tên là "Cải Cách ruộng đất -Chấn chỉnh tổ chức" (mà người ta thường vô tình hay cố ý quên đi cái vế sau, không kém phần "chết người", không kém phần ác độc như vế trước) mà tớ đã, nhân danh một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam được học tập mọi nghị quyết để sản xuất ra các "tác phẩm" tuyên truyền cho những nghị quyết đó, được tham gia (gọi là đi thực tế), được chứng kiến trực tiếp những cảnh cướp bóc, giết người không tòa án, không xét xử, chia của của nhà giầu hoặc có bát ăn, bát để hơn người nghèo ở nông thôn ( theo đúng chỉ tiêu mỗi xã phải có tối thiểu 5% địa chủ!?.) Tớ không thể nào quên được cái cảnh con, (sau khi được "phát động") chỉ mặt cha gọi là: "thằng kia!"… Vợ chỉ mặt chồng hét lên: "Thằng địa chủ cường hào gian ác kia, mày hiếp dâm bà mỗi tuần 3 bận đến khi bà có mang mày mới nhận bà là vợ hai để tiếp tục bóc lột….!" Tớ cũng không thể nào quên được cái cảnh bố vợ tớ, chẳng có một thước đất nào trong tay nhưng do đi sơ tán còn tiền, còn vàng nên mua được mảnh vườn trồng cây na, cây bưởi, nuôi con cái tiếp tục áo dài đi học, nhưng cũng bị đôn lên cho đủ 5% là địa chủ để cướp từ cái soong, cái nồi, đánh ông bố vợ tớ gẫy hết cả hàm răng vì ông bị cho là "ngoan cố"! không chịu nhận tội là địa chủ!? Ấy vậy mà khi sửa sai thì ông cũng như trăm ngàn người khác, chẳng được trả lại bất cứ cái gì vì còn đâu nữa những thứ mà các "ông bà nông dân" đã chia nhau, đã tranh cướp sạch sành sanh cho hết những gì bọn "kẻ thù giai cấp" đã có nhờ... bóc lột (!?) và gọi hành động "cướp có lãnh đạo" đó là… thóai tô!, Riêng bên nội bên ngoại nhà tớ thôi đã có bảy gia đình "oan sai" mà đến lúc sửa sai thì chẳng .. sửa được cái gì! Nguy hiểm nhất là những cốt cán được kết nạp vào Đảng trong cải cách ruộng đất thì sau "sửa sai" vẫn tiếp tục chung sống "không hòa bình" với những Đảng viên bị quy kết oan sai(?) gây nên một nỗi mâu thuẫn không thể giải quyết âm ỉ mãi đến bây giờ Tớ bắt đầu nghi ngờ: Lẽ nào chuyện này bác Hồ Chí Minh không biết mà khi ra trước công chúng để nhận sai lầm, bác còn sụt sùi khóc lóc rút mùi xoa chấm nước mắt cứ... y như những cái tội tày đình đối với dân tộc này là của ai ấy chứ bác ấy, bác ấy không hề hay biết!? Thế là trong tớ xụp đổ thần tượng y như một fan ca nhạc bị ca sỹ lừa một quả bằng… "hát nhép"!
Dù sau đó bác có cách chức ... Đảng của Trường Chinh, "hô biến" tên Hồ Viết Thắng nào đó khỏi Trung Ương cho mãi đến bây giờ (?) thì một câu hỏi được đặt ra trong tớ ngay lúc bấy giờ: Liệu bác ấy có tội gì trong vụ diệt chủng này không trên cương vị chủ tịch một nước? Sau này, hồi kí của Hoàng Tùng có thanh minh cho bác ấy, là "bác không bao giờ đồng tình cải cách ruộng đất kiểu đó, không đồng tình phát súng nổ đầu tiên của "cuộc cách mạng long trời lở đất" lại nhằm vào một người phụ nữ có công với cách mạng là bà Nguyễn thị Năm," nhưng tớ vẫn cứ giữ nguyên cái ý nghĩ "phản động" đó trong đầu là: Trong vụ sai lầm "giết người cuớp của, cướp đất" này bác ấy phải là người nhận tội về mình đầu tiên... Làm theo chỉ đạo cuả người Tầu giết hại dân mình phá tan mọi tổ chức, cơ cấu xã hội Việt Nam tuy nghèo khổ nhưng thắm tình yêu nước, yêu con người. Thắc mắc to đùng ấy về Hồ chí Minh cứ theo thời cuộc mà phát triển dần dần...
2) Khi về Hà Nội, tớ còn một chút tin tưởng ở huyền thoại Hồ Chí Minh lại bị sụp đổ nốt khi: Trước những vụ cướp nhà, cướp xưởng máy, cướp cửa hàng, cải tạo tư sản (cướp hết của cải của những người giầu kể cả những người được xếp là "tư sản tiến bộ"), của những người "có máu mặt" mà chẳng phải tư sản tư siếc gì (như một loạt các cửa hàng thợ may nổi tiếng ở phố hàng Trống với dăm bảy cái máy may và 3, 4 người học nghề, thợ phụ)… thì bác ấy cũng chẳng rút được một chút kinh nghiệm gì về sự sai lầm vĩ đại ở cuộc đấu tranh giai cấp diệt chủng ở nông thôn mà giơ một ngón tay út lên để mà ngăn cản!?
. Còn về ngoại giao thì bác ấy luôn vô tư… "đi hai giây" thậm chí có lúc ba bốn giây mặc cho những bạn bè đồng chí, những người quanh năm phục vụ bác ấy bị đi tù có án, (Nguyễn Hữu Đang) bị đi cải tạo mút mùa như bố con ôngVũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh, .bác ấy cũng… ngậm tăm luôn...
Chuyện chia ruộng cho nông dân, bác cũng dự các buổi cắm bảng căng dây, nhận ruộng (có quay phim chụp ảnh với các bà mẹ răng đen bế con,  hồ hởi) thì chỉ mấy tháng sau ruộng đất lại bị tập trung làm hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào cảnh "gõ kẻng đi làm", "chấm điểm ăn công", trên cương vị chủ tịch nước bác ấy cũng chẳng có trách nhiệm gì chăng?
Riêng chuyện phát động cuộc chiến tranh để hòan thành nhiệm vụ cách mạng vô sản tức là "đỏ hóa" tòan bộ nước VN và làm "nhiệm vụ quốc tế" đối với Lào, Cam Pu Chia có phải bắt đầu bằng lời hịch hùng hồn của bác ấy "Này hỡi Giôn- sơn!.... Dù phải chiến đấu mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa… Dù Hà Nội Hải Phòng có tan thành bình địa…. "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn chúng ta cũng quyết chiến đấu " vv và vv. Lẽ nào những lời kêu gọi đó bác ấy không nhân danh chủ nghĩa quốc tế vô sản mà chiến đấu đến người Việt Nam cuối cùng đấy sao? Bác thừa biết là chẳng có bọn "thực dân mới" nào xâm lược nước ta nên bác ấy chỉ làm thơ rằng "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" mà thôi. Chiếm được miền Nam là chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản chứ đâu như chống Pháp giải phóng quê hương năm nào
Vậy mà đến nay, một số các nhà "Hồ Chí Minh học", "Việt Nam học", một số "sử ra" đánh giá bác ấy "quá thấp" về ý thức chính trị khi có những công trình nghiên cứu, những hồi ký, những tham luận tại Sầm Sơn là "kể từ đầu những năm 54 trở đi, Bác Hồ đã không còn thực quyền gì… Họp Bộ Chính Trị cũng không có Bác… mọi quyết định đều do một tay ông này, ông nọ…., thậm chí Bác đã bị "vô hiệu hóa" bị "giam lỏng" ở K5, K6 nào đó!?.  Riêng điểm này thì tớ hòan tòan phủ nhận 100%! Hãy tìm hiểu từng chữ nghiã trong bản "tuyên bố lịch sử" "Này hỡi Giôn-Xơn…" năm 1966 (*) đi hỡi các "nhà học rả", lãnh tiền tỷ để làm các "đề tài khoa học cấp nhà nước" muốn biện hộ cho bác ấy không can dự vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, gây đau thương, chết chóc cho hàng triệu triệu gia đình, gieo rắc hận thù trong hàng triệu triệu con Hồng cháu Lạc khó có thể xóa nhòa, các vị trước sau cũng bị lịch sử xóa tên, ít nhất là hai cái chữ tắt G/S hay T/S mà thôi!
Tóm lại, trong suốt hai mươi bốn năm bác ấy cầm quyền, (chính bác ấy viết trong di chúc là: Đảng ta là Đảng cầm quyền" ...) niềm tin vào Đảng vào Bác, trong tớ cứ mất dần mất dần... cho đến ngày… mất hẳn!
Ấy vậy mà! từ khi tớ biết xử dụng Internet, không còn phải bỏ tiền túi ra mua những tờ báo Nouvel Obs, Paris Match, Newsweek, bầy bán công khai trên đường Đồng Khởi Nguyễn Huệ ngay từ khi chưa có "Đổi Mới" ) để thoát khỏi cái nỗi khổ mù thông tin thì bỗng dưng tớ lại dần có những nhận định rất mới về Ông cụ này: đó là một con người khổ, cực kỳ khổ, khổ suốt cuộc đời, khổ cả lúc chết và khổ cả sau khi chết và... muôn năm khổ. Có một CON NGƯỜI nào như thế này không?
1) Tên tuổi không có thật. Lúc thì gọi là Nguyễn Tất Thành, lúc thì gọi là Ba, là Nguyễn Ái Quốc, là Lý Thụy, là Tống văn Sơ, là Linov, là Victor, là Lucius (lúc "làm việc"với O.S.S -tiền thân của C.I.A- với bí số 19 dưới sự chỉ huy trực tiếp của trung tá Charles Fenn và thiếu tá Archimedes Patti) … và hàng trăm cái tên khác nhau để rồi cuối cùng dừng lại ở cái tên… Hồ chí Minh mà cả những nhà cộng sản chính cống như Trần văn Giầu, Hoàng đế Bảo Đại cũng phải hỏi "Hồ chí Minh? Ai vậy!? Một cái tên mà cả núi sách trên thế giới phải truy tìm nguồn gốc mãi cho tới ngày nay và chắc sẽ còn tốn nhiều giấy mực. Chỉ riêng cái họ Hồ, tớ đã đọc được cả một mớ những tài liệu, đặc biệt là những lời đồn đại và cả bàn tán vỉa hè về bài phát hiện của giáo sư Trần Quốc Vượng viết thành văn bản hẳn hoi là Hồ Chí Minh chính là dân Quỳnh Lưu???
2) Có ai ngày sinh cũng mập mờ như bác ấy. Tài liệu của các sở mật thám, trên các hộ chiếu mà nhiều nước cấp cho bác thì cả chục ngày sinh khác nhau. Trên hộ chiếu thông hành gần nhất số 1829 của Đức cấp cho bác thì đề rõ là Nguyễn Chen Wang sinh ngày 15/1/1895.
Riêng tớ, cái ngày 19/5 được chính ông Hoàng Minh Giám khi nói chuyện về "tài ngoại giao của Bác Hồ" với một số văn nghệ sỹ cho biết là ngày 19/5 chính là bác Hồ đã cùng ông ... "sáng tác" ra để tránh một cuộc "cụng ly" với những người mà bác chắc chắn rằng không thể tránh khỏi một cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại họ: Một cách từ chối khéo và phải "bịa" ra một ngày sinh nhật đột ngột và được tổ chức... y như thật là như dzậy đó. Kể từ ngày 19 tháng năm 1946 đó, mỗi năm báo chí, phát thanh, truyền hình đều bắt toàn dân phải nghe, phải đọc, phải xem những điều "nói dzậy mà không phải dzậy" suốt bao nhiêu năm và chẳng hiểu sẽ còn tái diễn đến tận bao giờ đây hỡi các nhà "khoa học?"
3) Suốt hai mươi bốn năm hoạt động chính trị làm chủ tịch nước là hai mươi bốn năm luôn phải đối phó thậm chí nói dối, lừa đảo, đóng kịch, bị cấm cưới vợ, bị cấm nhận con để hòan thiện vai trò một "ông thánh" mà "người ta" muốn tạo dựng lên để thờ như một vị thần linh hơn cả Bà Trưng bà Triệu, Trần Hưng Đạo… để con rồng cháu tiên phải biết ơn và noi gương bác cùng các học trò xuất sắc của Bác ngàn đời: bác là chân lí, bác là đỉnh cao trí tuệ, bác là "niềm tin tất thắng", bác là "lương tâm của nhân loại", càng ngày càng được các văn nghệ sỹ phóng đại lên trong những tác phẩm văn nghệ nhất là thi ca và âm nhạc cho đến tận ngày nay.
4) Ngay cả khi chết, bác ấy lại chết đúng vào ngày mồng 2 tháng 9. Thế là "người ta" cũng sửa ngày chết của bác ấy là mùng 3 tháng 9(?) chắc là để khỏi "xui" hoặc là để sau những cuộc tiếp đón, nổ xâm banh, tiệc tùng đón bạn bè quốc tế, công bố hết các điện chúc mừng của các nước lớn, nhân ngày quốc khánh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa... rồi sau đó một hôm mới long trọng tuyên bố với thế giới và đồng bào trong nước là "Hôm nay, vào lúc …giờ… phút ngày 3 tháng 9 Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi!"
Bản di chúc bác ấy viết chính tớ được nghe đọc đi đọc lại nhiều lần (phổ biến nội bộ) nhưng khi công bố ra thì bị sửa chữa lung tung. Đặc biệt có lời yêu cầu "không nên làm tang lễ linh đình, tốn kém" và lời yêu cầu được "chôn tại một ngọn đồi, dưới chân đồi nên dựng một túp lều để nhỡ có bà con nào nhớ đến bác tới thăm thì có chỗ nghỉ chân" thì bị cúp hẳn!.. Thì ra "người ta" đã quyết không vâng lời Bác và quyết tâm làm ngược lại những diều bác dạy!, "Người ta" mang bác ấy vào bệnh viện 108,… mổ bụng, moi gan, bửa óc, khoét mắt rồi ngâm bác trong một bể formol để mỗi tuần phải vớt lên kì cọ, thay nước… Chuyện này các bác sỹ, y tá ở 108 trong đó có những người trực tiếp mổ, xẻ, cưa, đục và những người chứng kiến trực tiếp các công đoạn phẫu thuật và hậu phẫu thuật chưa từng có trong đời họ đều phải ngán ngẩm mà thốt lên "Sao mà cái kiếp ông cụ nó khổ thế?!" Chuyện cực kỳ bí mật này nếu chỉ trong một vài tháng thì còn giữ được. Đằng này, vì xây lăng quá to, quá tốn kém trong hòan cảnh đất nước nào có phương tiện gì hiện đại như ngày nay phải kéo dài quá lâu nên với dân Hà Nội, bí mật đó đã bị bật mí hết. Chẳng mấy ai mà không biết là xác của ông Hồ Chí Minh đặt ở trong lăng chỉ còn là… cái vỏ, được bơm silicon và hóa trang như thật mà thôi!
. Riêng tớ, có những dịp phải đứng trong danh sách những người vào lăng viếng bác, bao giờ tớ cũng tìm cách trốn lủi vì tớ luôn bị ám ảnh cái hình tượng xác chết bị mổ bụng, moi gan nằm trong thùng formol mà ớn lạnh
Thế đấy, chỉ riêng cái lăng bác đã làm cho biết bao người yêu cũng như ghét bác phải tranh cãi mãi không thôi. Và những kẻ chống cộng quá khích nhất, đã không ngừng lấy đó làm đề tài để bôi xấu bác ấy.
Thế là tớ cảm thấy cần phải nói lên một tình cảm có thể gây sốc cho nhiều người:
HỒ CHÍ MINH LÀ MỘT NGƯỜI TỪ LÚC RA ĐỜI ĐẾN KHI CHẾT ĐỀU SỐNG DỞ, CHẾT DỞ, LUÔN PHẢI ĐÓNG KỊCH, SỐNG GIẢ VỜ, SỐNG KHÔNG LÍ LỊCH, TÊN TUỔI, KHÔNG NGÀY SINH THÁNG ĐẺ, KHAI TỬ KHÔNG RÕ RÀNG, KHÔNG GIA ĐÌNH VỢ CON VÀ CẢ CHẾT RỒI CŨNG CHẲNG ĐƯỢC CHÔN CẤT TỬ TẾ. MÀ CÒN BỊ ĐỐI XỬ TÀN ÁC HƠN CẢ BỊ TỘI VOI GIẦY NGỰA XÉ!
Tớ suy nghĩ "tình củm" như thế có đúng "lạp xường tiểu tư sản" không các bạn???
(*) Tớ vô cùng cảm tạ bác (hay cô hay chú(?) Nguyễn Thiện Lương (báo Văn Nghệ Công An) đã giúp cho tớ cải chính cái nhầm lẫn  ngày giờ mà tớ đã nhiều lần xin lỗi trước về những ngày giờ,địa diểm mà có thể trí nhớ của một "cây viết trẻ" có thể mắc phải,nhất là trong tay tớ lại chẳng có "hồ sơ" nào về những sự kiện lịch sử.Tất cả chỉ là ghi lại những gì mình còn tồn tại  trong bộ nhớ của một lão già 83 mà thôi.

Tuần Kí số 4 - May 20, 2009
http://langdu126.multiply.com/journal/item/91

  http://xoathantuong.tripod.com/th_bachokho.htm
 

No comments:

Post a Comment